Không chỉ nhà ở phố cổ, rất nhiều ngôi nhà trên địa bàn TP. Hà Nội đang xuống cấp trầm trọng, tường bong tróc, nứt nẻ, mái nhà đã bị sập…

Ngay từ bên ngoài nhìn vào, khu tập thể A7 nhìn chằng chéo bởi những chiếc “nạng sắt“.
Ngay từ bên ngoài nhìn vào, khu tập thể A7 nhìn chằng chéo bởi những chiếc “nạng sắt“.

Hàng chục năm nay, người dân sinh sống tại căn nhà 5 tầng thuộc khu tập thể A7 (đường Nguyễn Chính, phường Tân Mai, Q. Hoàng Mai, TP. Hà Nội) luôn sống trong thấp thỏm, lo âu.

Hàng loạt căn nhà ở khu tập thể đã xuống cấp rất nghiêm trọng, bờ tường bị xé thành những khe rất rộng, khung sắt hoen rỉ, yếu ớt, tường bong tróc, có thể đổ ập bất cứ lúc nào.

Đặc biệt, khu vực cầu thang từ tầng 1 lên đến tầng 5 đã phải “chống nạng” bằng những thanh sắt. Tình trạng này càng nguy hiểm hơn khi vào mùa mưa bão.

Theo tìm hiểu, trong cơn bão số 1 vừa qua, toàn bộ mái nhà ở khu vực cầu thang của khu chung cư đã bị đổ sập xuống, rất may không có thiệt hại về người. Người dân, chính quyền địa phương đã khắc phục sự cố bằng cách lợp mái tôn để che mưa, che nắng.

Cận cảnh những chiếc “nạng sắt” chống đỡ cho ngôi nhà.

Ngoài ra, trên tầng thượng khu tập thể, hàng loạt tấm bê tông đã sập xệ. Cầu thang lỏng lẻo, xuất hiện những vết nứt rất rộng.

Nói về thực trạng của khu tập thể đã xuống cấp này, Ông Nguyễn Quang Thắng, tổ trưởng tổ dân phố 15, phường Tân Mai cho biết, khu tập thể A7, được xây dựng năm 1984, đây là khu tập thể của cán bộ công nhân viên và nó bắt đầu xuống cấp nghiêm trọng từ năm 2008.

Ông Nguyễn Quang Thắng, tổ trưởng tổ dân phố 15, phường Tân Mai, Q. Hoàng Mai trao đổi với PV.

“Chúng tôi đã làm văn bản gửi đến các cơ quan chức năng. Đến năm 2010, Sở Xây dựng đã cho giám định và sau đó lắp đặt hệ thống giàn giáo để chống đỡ. Sau đó chúng tôi phát hiện thêm căn hộ của ngôi nhà 506 có nguy cơ sập tiếp nên cơ quan chức năng và người dân cũng đã gia cố tạm thời để sinh sống”.

Theo thông tin ông Thắng cung cấp, do càng ngày khu tập thể càng xuống cấp nghiêm trọng, nên 35 hộ dân có điều kiện đã chuyển đi nơi khác sinh sống. 23 hộ dân còn lại vẫn đang rất hoang mang nhưng vẫn phải sống do không có chỗ ở.

“Chúng tôi đã báo cáo UBND TP. Hà Nội, Sở Xây dựng cũng đã đến giám định. Chúng tôi đang chờ kết quả chính thức. Mong rằng các cơ quan chức năng sớm nâng cấp, cải tạo, tạo điều kiện thuận lợi để người dân nơi đây ổn định cuộc sống”.

Hình ảnh những khe nứt xuất hiện dày đặc ở khu tập thể A7.

Sống trong nỗi sợ hãi, bà H. cho biết: “Người dân chúng tôi rất lo lắng, sợ hãi khi sống trong ngôi nhà của mình. Hằng ngày chỉ có các cụ già và trẻ nhỏ ở nhà. Nếu như ngôi nhà này sập xuống thì chúng tôi biết làm sao? Tôi chỉ mong các cơ quan chức năng sớm có biện pháp khắc phục để người dân chúng tôi đỡ lo lắng”.

Nhiều khu tập thể, chung cư đã xuống cấp trầm trọng gần chục năm nay. Trong khi người dân đã làm đơn, văn bản báo cáo lên cơ quan chức năng đã gần 10 năm trời thế nhưng, câu trả lời cho những người dân sinh sống ở đây từ các cơ quan chức năng vẫn chỉ là… giám định. Mỗi lần sập lại một lần giám định.

Vừa qua, trên địa bàn TP. Hà Nội, một số ngôi nhà xuống cấp đã bị đổ sập, gần nhất là ngôi nhà số 43 phố Cửa Bắc khiến một số người thương vong.

Nói rủi mồm, chẳng may một lúc nào đó, những căn chung cư không thể chống đỡ với thời gian cũng như tác động của ngoại cảnh mà đổ sập xuống, liệu rằng ai sẽ là người chịu trách nhiệm về hậu quả này?

Để tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra, mong rằng các cơ quan chức năng nên sớm có biện pháp khắc phục, để người dân không phải thấp thỏm, lo sợ trong điều kiện thiên tai, bão lũ phức tạp như hiện nay.

Tin tức nguồn: http://www.xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=1572683#ixzz4IiQYIjNr
doc tin tuc xaluan.com