Mặc dù được UBND xã Tự Lập giao đất nhưng đến khi xây dựng nhà, ông Trung mới té ngửa rằng, thửa đất của mình không có trên bản đồ địa chính.
Giao đất cho dân để làm kiot dịch vụ?
Theo phản ánh của một số người dân trên địa bàn xã Tự Lập, huyện Mê Linh, TP. Hà Nội, năm 1996, UBND xã Tự Lập có chủ trương giao đất cho người dân trong vùng để làm kiot kinh doanh. Địa điểm được giao đất là dọc bờ sông Cà Lồ, tiếp giáp với đê bối.
Thời điểm này đã có nhiều người dân được chính quyền địa phương giao đất. Hộ gia đình ông Lỗ Văn Trung (Xóm 6, thôn Phú Mỹ, xã Tự Lập) cũng không phải là ngoại lệ.
Năm 1996, ông Trung được UBND xã Tự lập giao cho thửa đất có chiều dài phần tiếp giáp với mặt đê là 15m, chiều rộng hướng ra sông Cà Lồ 4 m, nằm đối diện trạm y tế xã Tự Lập.
Trong biên bản bàn giao đất nêu rõ: “giao Kiot làm trên đất lâu dài để dịch vụ hàng hóa”. Và số tiền phải đóng cho UBND xã thời điểm năm 1996 là 6 triệu đồng.
Trải qua một thời gian dài, đến năm 2007, nhiều hộ gia đình có đất theo diện được UBND xã cấp làm kiot đã tự ý xây dựng nhà ở kiên cố trên mặt đê sông Cà Lồ.
Điều đáng nói ở chỗ, cũng thửa đất như thế, cuối năm 2007, gia đình ông Trung tiến hành xây dựng căn nhà 1 tầng để ở và kinh doanh thì Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Mê Linh và UBND xã Tự Lập đình chỉ thi công mà không nêu rõ căn cứ và lý do cụ thể của việc đình chỉ.
Trong biên bản có đoạn ghi: Căn cứ thực tế, UBND xã Tự lập – Phòng Tài nguyên Môi trường – Phòng Quản lý đô thị tạm thời đình chỉ xây dựng công trình đối với gia đình ông Lỗ văn Trung kể từ 16 giờ ngày 5/1/2008.
Sau khi lập biên bản đình chỉ xây dựng, gia đình ông Trung cũng đã nghiêm chỉnh chấp hành, không giám làm nhà nhưng vẫn chưa hiểu vì sao mình bị đình chỉ xây dựng mà trong khi đó các nhà khác vẫn được xây?
“Từ năm 2008 đến nay, tôi luôn thắc mắc rằng vì sao nhiều hộ được giao đất năm 1996 như nhà tôi lại được xây nhà mà gia đình tôi không được xây dù chỉ một tầng” ông Trung bức xúc nói.
Cũng theo ông Trung, gia đình ông đông con, hơn nữa có một người con khuyết tật nằm một chỗ. Hiện tại con ông đang phải đi mượn nhà người khác để ở. Chính vì thế ông muốn xây thêm căn nhà 1 tầng để cho con cái về đó làm ăn, sinh sống.
Theo khảo sát của PV, một số hộ dân hiện đang sinh sống ở dọc bờ sông Cà Lồ, tại thời điệm họ xây nhà cho đến bây giờ thì thửa đất cũng chưa được cấp “sổ đỏ”. Hay nói cách khác, một vài thửa đất ở đây vẫn còn là đất dịch vụ để xây dựng kiot kinh doanh.
Giao đất “ảo”, người dân có bị lừa?
Để xác minh rõ vấn đề và giải đáp những thắc mắc chưa có lời giải của hộ gia đình ông Lỗ Văn Trung, PV đã có buổi làm việc với đại diện UBND xã Tự Lập.
Ông Trần Văn Khánh, Chủ Tịch UBND xã Tự Lập cho biết, năm 1994 – 1996, UBND tỉnh Vĩnh Phú có quyết định cho đầu tư, cải tạo chợ tại xã Tự Lập. Cũng tại thời điểm này, tuyến đê bao sông Cà Lồ cũng được hạ cốt đê thành đường giao thông. Lúc này chính quyền tiến hành bán đất ở ven đê theo chiều dọc.
Ông Khánh thông tin, thời gian đó, UBND xã Tự Lập giao đất cho ông Trung và có thu tiền, sau đó lập biên bản bàn giao đất. Thế nhưng, điều ngạc nhiên ở chỗ, theo ông Khánh, tờ bản đồ địa chính số 299 thiết lập năm 1988 và được trích lục, sao lại để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 1996 thể hiện, toàn bộ khu vực đất dịch vụ mà ông Trung được giao chỉ là một dải sông trắng, không hề được kẻ vẽ ô thửa. Có nghĩa là thửa đất của ông Trung được UBND xã Tự Lập bàn giao năm 1996 không tồn tại trên bản đồ địa chính. Hơn nữa, vị Chủ tịch UBND xã Tự Lập cũng khẳng định đất này bán trái thẩm quyền.
Khi PV nhắc tới chuyện, nhiều hộ dân cũng xây nhà trên nền đất dịch vụ mà UBND xã Tự Lập cấp năm 1996 tại sao không bị cưỡng chế thì ông Khánh cho biết, những thửa đất dịch vụ này lại được đo đạc, kẻ vẽ và được thể hiện trên bản đồ địa chính.
“Chúng tôi đã báo cáo đề xuất với UBND huyện bố trí, phê duyệt quỹ đất, hoán đổi vị trí. Vì phải thừa nhận rằng người dân có đóng góp tiền để nhận đất. Theo thời điểm, dù là đắt hay rẻ, dựa vào giá trị mét vuông đất mà chính quyền và người dân thỏa thuận với nhau để thống nhất vị trí đổi đất”.
“Người tiền nhiệm có làm sai đi chăng nữa thì chúng tôi vẫn phải giải quyết vì quyền lợi chính đáng của dân” ông Khánh cho hay.
Trong một diễn biến khác, ông Đặng Văn Duẩn, cán bộ địa chính xã Tự Lập cho biết, năm 2007 gia đình ông Trung tiến hành làm nhà tại thửa đất dịch vụ, tuy nhiên, thời điểm đó, Chủ tịch huyện Mê Linh ông Trần Thanh Cảnh yêu cầu xã đình chỉ thi công công trình.
“Thửa đất dịch vụ của ông Trung không nằm trong mục tiêu quy hoạch nông thôn mới năm 2011. Cùng với đó dữ liệu tờ bản đồ 299 không thể hiện đo đạc bằng số ô, số thửa. Nó chỉ thể hiện là một vệt đất ở rìa sông” ông Duẩn nói.
Cũng theo thông tin mà ông Duẩn cung cấp, ngay cả tờ bản đồ đo lại năm 2006 thì thửa đất này cũng không có số ô số thửa. Hay nói cách khác, thửa đất mà ông Trung đã nộp tiền để sử dụng chỉ là thửa đất “ảo”, không có thật trên bản đồ?
Phải chăng, cán bộ và lãnh đạo UBND xã Tự lập tại thời điểm năm 1996 đã tự ý “vẽ” ra thửa đất này rồi giao cho người dân để thu tiền với mục đích khác? Việc thửa đất của ông Trung không hề tồn tại trên bản đồ đã thể hiện rõ điều này. Liệu lãnh đạo UBND huyện Mê Linh qua các thờ kì có biết được sự việc trên hay không, để đến hiện tại, người dân vẫn phải chờ đợi mỏi mòn và không hiểu vì sao mình không được xây nhà trên thửa đất của chính mình đã mua.
Theo ông Trần Văn Khánh, Chủ Tịch UBND xã Tự Lập, những cán bộ chịu trách nhiệm giao đất cho người dân làm kiot dịch vụ năm 1996 đã về hưu, có người thì đã mất vì bệnh tật.
Hiện tại, cựu chủ tịch UBND xã Tự Lập, ông Trần Văn Thể, người trực tiếp kí biên bản giao đất cho người dân năm 1996 vẫn còn sống khỏe mạnh. Trước sự việc này, đề nghị UBND huyện Mê Linh và UBND xã Tự Lập sớm có cách giải quyết thỏa đáng, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho những người dân “được” chính quyền cấp đất “ảo” như ông Lỗ Văn Trung.
PV sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc trong những bài tiếp theo
PV Khỏe 365