Ông đánh giá thế nào về các cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà dành cho người có thu nhập thấp tại TP.HCM hiện nay?
– Các chính sách và cơ chế phát triển nhà ở xã hội đã được đề ra trong Luật Nhà ở 2014 và Nghị định 100/2015/NĐ-CP. Đặc biệt, ngày 25/1/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg chỉ đạo các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố thúc đẩy việc phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân trong thời gian tới nhằm hoàn thành cơ bản các mục tiêu về phát triển nhà ở xã hội từ nay đến năm 2020.
Nếu các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố thực hiện khẩn trương và hiệu quả Chỉ thị 03/CT-TTg thì sẽ tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc, và sẽ tạo được cơ chế thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ các dự án nhà ở xã hội trong năm 2017 và các năm tiếp theo.
Theo ông, các cơ chế, chính sách về nhà ở xã hội, nhà giá rẻ hiện nay còn những khó khăn, vướng mắc gì cần phải bổ sung, sửa đổi để tạo thuận lợi hơn cho việc phát triển phân khúc này?
– Hiện nay vẫn còn một số rào cản về cơ chế, chính sách đối với chủ đầu tư và người mua nhà ở dành cho người có thu nhập thấp. Cụ thể, với chủ đầu tư đó là rào cản về vốn và thủ tục. Để tháo gỡ khó khăn về vốn, các chủ đầu tư phải được vay các nguồn vốn ưu đãi theo Chỉ thị 03/CT-TTg. Về thủ tục, để gỡ vướng cho khâu chấp thuận chủ trương đầu tư, Chính phủ nên phân cấp cho các tỉnh, thành tự phê duyệt tất cả các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn và Sở Xây dựng các địa phương được phân cấp thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật và cấp giấy phép xây dựng các dự án nhà ở xã hội.
Như vậy sẽ nhanh hơn và hạn chế được tiêu cực. Ngoài ra, một số quy định khác về thẩm quyền duyệt thiết kế phòng cháy chữa cháy cho công trình, thẩm quyền quyết định chiều cao tối đa công trình cũng cần phân quyền về cho các sở chức năng.
Đối với người mua nhà ở xã hội, phải giải quyết được gánh nặng về tài chính, trong đó, chuyện cấp thiết hàng đầu các bộ, ngành phải sớm bắt tay hỗ trợ người có nhu cầu mua nhà ở xã hội theo Chỉ thị 03/CT-TTg. Bên cạnh đó, yêu cầu về mức gửi tiết kiệm nhà ở xã hội đang thực hiện tại Ngân hàng Chính sách xã hội hiện còn quá cao so với thu nhập của các đối tượng chính sách.
Vì vậy, cần quy định một mức gửi tiền tiết kiệm nhà ở xã hội hàng tháng ở mức 500.000 đồng hoặc không quá 1.000.000 đồng/tháng. Lãi suất tiền gửi tiết kiệm nhà ở xã hội cũng nên bằng mức lãi suất tiết kiệm thông thường tại các ngân hàng thương mại đối với các khoản tiền gửi dài hạn (trên 12 tháng) thay vì mức lãi suất 5%/năm như hiện nay để khuyến khích đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội tham gia.
Hiện nay thị trường BĐS đang rất thiếu các dự án nhà ở xã hội, nhà thương mại giá rẻ dành cho người có thu nhập thấp. Theo ông, TP.HCM cần phải tập trung vào các giải pháp nào để giải quyết được bài toán về nhà ở cho người thu nhập thấp?
– Để giải quyết được bài toán về nhà ở dành cho người thu nhập thấp, bên cạnh việc tạo quỹ đất từ việc sử dụng hợp lý và hiệu quả quỹ đất công của thành phố và quỹ đất nhà ở xã hội được trích lập từ 20% quỹ đất kinh doanh của các dự án nhà ở thương mại, TP.HCM cần khuyến khích xã hội hóa, huy động các DN tham gia phát triển nhà ở xã hội và cá nhân, hộ gia đình đầu tư phát triển các khu nhà trọ, phòng trọ để giải quyết nhu cầu thuê nhà của công nhân, lao động, người nhập cư.
Bên cạnh đó một trong những giải pháp để làm được nhà giá rẻ là cần xây dựng được liên kết 4 nhà gồm: Chủ đầu tư, công ty xây dựng, nhà cung cấp vật tư, ngân hàng để giảm giá thành. Ngoài ra, liên kết trên còn cần có sự tham gia của Nhà nước mà đại diện là các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương trong việc tạo môi trường pháp lý thuận lợi, thông thoáng cho các DN đầu tư, phát triển nhà cho người thu nhập thấp.
Xin cảm ơn ông!